Trong những tuần qua, thị trường bất động sản thế giới rúng động khi tập đoàn Evergrande đứng trước bờ vực phá sản khi trở thành doanh nghiệp nợ nhiều nhất thế giới với số tiền lên đến 300 tỷ USD.
Các cơ quan quản lý cảnh báo rằng nếu “bom nợ” Evergrande thực sự sụp đổ có thể không chỉ ảnh hưởng tới hệ thống tài chính của Trung Quốc, mà còn giáng đòn mạnh mẽ vào những ngân hàng lớn cấp khoản vay cho Evergrande và các công ty tương tự, dẫn tới làm lây lan khủng hoảng ra các thị trường toàn cầu.
1. Evergrande trên con đường trở thành tập đoàn bất động sản lớn thứ 2 Trung Quốc
Tập đoàn Evergrande được thành lập bởi tỷ phú người Trung Quốc Xu Jiayin vào năm 1966 có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến. Ông Xu từng là người giàu nhất Trung Quốc.
Evergrande từng là tập đoàn bất động sản lớn thứ 2 Trung Quốc và lọt vào top 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới tính theo doanh thu của Global 500.
Evergrande xuất hiện vào đúng giai đoạn bùng nổ của thị trường bất động sản Trung Quốc. Quá trình đô thị hóa được đẩy nhanh đã biến Evergrande trở thành trung tâm quyền lực của nền kinh tế. Ở thời kỳ đỉnh cao Evergrande có khoảng 200.000 nhân sự và gián tiếp giúp duy trì hơn 3,8 triệu việc làm mỗi năm.
Evergrande thành danh trong lĩnh vực bất động sản nhà ở và tự hào khi “sở hữu hơn 1.300 dự án tại hơn 280 thành phố” trên khắp Trung Quốc. Ngoài bất động sản, Evergrande còn có 7 công ty con hoạt động trong nhiều lĩnh vực gồm: ô tô điện, dịch vụ y tế, sản phẩm tiêu dùng, sản xuất chương trình video và truyền hình, và thậm chí cả công viên chủ đề.
Với những thành tựu ban đầu, đến tháng 10/2009, Evergrande huy động được 722 triệu USD trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc).
Năm 2010, Evergrande đã mua một đội bóng đá, hiện được gọi là Guangzhou Evergrande. Đội bóng đó kể từ đó đã xây dựng trường dạy bóng đá lớn nhất thế giới, với chi phí 185 triệu USD.
Guangzhou Evergrande tiếp tục đạt được những kỷ lục mới: Tập đoàn hiện đang làm việc để tạo ra sân vận động bóng đá lớn nhất thế giới, dự kiến hoàn thành vào năm tới. Địa điểm trị giá 1,7 tỉ USD này được tạo hình như một bông hoa sen khổng lồ, có sức chứa 100.000 khán giả.
Evergrande cũng phục vụ khách du lịch với công viên giải trí Evergrande Fairyland. Kiến trúc nổi tiếng là một công trình lớn được gọi là Đảo Hoa Đại Dương ở Hải Nam, một tỉnh nhiệt đới thường được gọi là “Hawaii của Trung Quốc”.
Dự án bao gồm một hòn đảo nhân tạo với các trung tâm thương mại, bảo tàng và công viên giải trí. Theo báo cáo thường niên gần đây nhất của tập đoàn, dự án này bắt đầu nhận khách dùng thử vào đầu năm nay, với kế hoạch khai trương toàn bộ vào cuối năm 2021.
2. Quá trình hình thành khoản nợ 300 tỷ USD
Sau nhiều năm đi vay để mở rộng, gom mua tài sản và đầu tư vào nhiều mục đích khách nhau, Evergrande giờ đây đang “oằn mình” gánh số nợ lên đến khoảng 300 tỷ USD. Với số nợ này, Evergrande là công ty mắc nợ nhiều nhất thế giới. Trong hai tuần gần đây, công ty này đã hai lần cảnh báo các nhà đầu tư về nguy cơ vỡ nợ nếu không thể huy động tiền nhanh chóng. Cảnh báo đó được nhấn mạnh, khi Evergrande tiết lộ trong một hồ sơ đăng ký trên sàn chứng khoán rằng tập đoàn đang gặp khó khăn khi tìm người mua một số tài sản của mình.
Tuần trước, Evergrande thông báo doanh số bán nhà của công ty giảm mạnh trong tháng 9, sau khi đã giảm liên tiếp trong nhiều tháng trước, khiến tình hình dòng tiền càng trở nên tồi tệ. Nguy cơ vỡ nợ của Evergrande được phản ánh rõ rệt trên thị trường trái phiếu, khi một trái phiếu của công ty này hiện đang được giao dịch với mức giá chỉ bằng 30% so với mệnh giá.
Theo hãng tin Reuters Một số ngân hàng ở Hồng Kông, bao gồm HSBC và Standard Chartered, đã từ chối cấp vốn vay mới cho người mua nhà tại hai dự án chưa hoàn thiện của Evergrande.
Tình hình tài chính của Evergrande xấu đi nhanh chóng từ năm ngoái, sau khi Trung Quốc đưa ra những quy định mới liên quan đến hoạt động vay nợ của các công ty phát triển bất động sản. Những biện pháp này đặt ra một trần nợ tương ứng với dòng tiền, tài sản và mức vốn của mỗi một công ty.
Tại ngày 31/12/2020, theo thống kê Evergrande có tổng tài sản đạt 350 tỷ USD, tổng nợ phải trả hơn 300 tỷ USD. Trong đó, nợ vay tài chính là 111 tỷ USD. Vào ngày 7/9/2021, nhà xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings đã hạ bậc tín nhiệm của Evergrande cho thấy mức độ rủi ro tín dụng rất cao.
Vào phiên giao dịch cuối tuần 24/9, cổ phiếu 3333 của Evergrande Group giảm 11.61%. Tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu của doanh nghiệp này đã giảm 84%.
3. Những tác động lớn nếu “bom nợ” Evergrande sụp đổ thực sự
Theo các chuyên gia, tham vọng của Evergrande chính là thứ đưa công ty vào nước sôi lửa bỏng. Mattie Bekink, giám đốc Trung Quốc của Economist Intelligence Unit, cho biết tập đoàn này đã “đi xa khỏi lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của mình, đó là một phần nguyên nhân khiến họ rơi vào tình trạng lộn xộn này”.
Còn ông Williams cho biết, nguyên do những rắc rối của Evergrande là do tập đoàn sử dụng đòn bẩy tài chính cao trong khi nhu cầu bất động sản nhà ở tại Trung Quốc đang bước vào kỷ nguyên suy giảm liên tục. Nếu “bom nợ” 300 tỷ USD của Evergrande thực sự nổ đây sẽ là thử thách lớn nhất mà hệ thống tài chính Trung Quốc phải đối mặt trong nhiều năm”.
Tập đoàn phát triển BĐS này đang chìm trong cuộc khủng hoảng tài chính với những tác động sâu rộng và chờ đợi một sự sụp đổ được báo trước hoặc một gói cứu trợ từ chính quyền Trung Quốc.
Trong trường hợp Evergrande sụp đổ, những đối tượng bị ảnh hưởng sẽ bao gồm: các ngân hàng, nhà cung cấp, người mua nhà, và nhà đầu tư. Trong một thông báo, Evergrande nói rằng những vấn đề ngày càng căng thẳng đang dẫn tới nguy cơ vỡ nợ ngày càng lớn. Cảnh báo này khiến giới đầu tư như “ngồi trên đống lửa”, và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã phải bơm gấp 14 tỷ USD vốn ngắn hạn vào hệ thống tài chính vào hôm thứ Sáu nhằm trấn an thị trường.
Evergrande nói rằng nếu công ty này mất khả năng trả nợ, sẽ xảy ra một tình huống gọi là “vỡ nợ chéo” – trong đó việc vỡ nợ đối với một nghĩa vụ nợ sẽ loang sang các nghĩa vụ nợ khác, dẫn tới ảnh hưởng lan rộng.
Tổng hợp từ các nguồn: vneconomy.vn, laodong.vn, 24h.com.vn