Mitsubishi và Western Pacific ký kết xây dựng trung tâm logistics tại Bắc Ninh; Bắc Giang duyệt quy hoạch xây dựng thêm 4 khu đô thị quy mô 675 ha; Thái Nguyên chấp thuận chủ trương đầu tư khu đô thị hơn 11ha; Giao dịch bất động sản còn lộn xộn, có nhiều hiện tượng các sàn giao dịch bất động sản câu kết với nhau “ôm hàng”, làm giá, “tạo sóng”, đẩy giá gây “sốt ảo” ăn chênh lệch làm nhiễu loạn thị trường BĐS là những thông tin đáng chú ý trong tuần này
1. Mitsubishi và Western Pacific ký kết xây dựng trung tâm logistics tại Bắc Ninh
Ngày 25/11, tại thủ đô Tokyo, trong khuôn khổ của Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam – Nhật Bản, Tập đoàn bất động sản Mitsubishi Estate Vietnam và Công ty cổ phần Western Pacific đã ký kết hợp tác xây dựng và vận hành Trung tâm logistics thông minh cao tầng tại Khu công nghiệp Yên Phong II-A, Bắc Ninh
2. KCN Yên Phong II-C “đón” Nhà máy sản xuất bán dẫn trị giá 1,6 tỷ USD
Công ty Kinh doanh Bất động sản Viglacera và Tập đoàn hàng đầu thế giới về sản xuất bán dẫn Amkor Technology, Inc vừa ký Hợp đồng nguyên tắc thuê đất để đầu tư xây dựng Dự án sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu bán dẫn.
Dự án của Amkor có trị giá 1,6 tỷ USD. Sự kiện này cũng tiếp tục khẳng định sức hút của Viglacera trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng trên thế giới vào Việt Nam, tạo tiền đề phát triển công nghiệp công nghệ cao trong những năm tiếp theo.
3. Bắc Giang duyệt quy hoạch xây dựng thêm 4 khu đô thị quy mô 675 ha
UBND tỉnh Bắc Giang vừa có quyết định phê duyệt quy hoạch 4 dự án khu đô thị quy mô hơn 675 ha.
Cụ thể, dự án thứ nhất là Khu đô thị hỗn hợp và Chợ quốc tế Bắc Giang, thuộc địa phận xã Đồng Sơn, xã Tiền Phong và xã Tân Liễu . Diện tích nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 357 ha. Dân số dự kiến khoảng 40.000 người.
Dự án thứ hai là Khu đô thị mới Vân Trung, thuộc huyện Việt Yên. Diện tích nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 115 ha. Dân số dự kiến khoảng 20.000 người.
Dự án thứ ba là Khu đô thị tại hai xã Quảng Minh và Ninh Sơn. Quy mô diện tích nghiên cứu lập quy hoạch gần 103 ha. Quy mô dân số trong khu vực lập quy hoạch khoảng 10.500 người.
Dự án cuối cùng là Khu đô thị Xuân Hương – Tân Dĩnh, thuộc huyện Lạng Giang và TP. Bắc Giang.Diện tích nghiên cứu lập quy hoạch gần 101 ha, dân số dự kiến khoảng 16.000 người.
4. Thái Nguyên chấp thuận chủ trương đầu tư khu đô thị hơn 11ha
Theo Cổng thông tin điện tử Thái Nguyên, UBND tỉnh này vừa ban hành quyết định về việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị xanh Phổ Yên, phường Ba Hàng, thị xã Phổ Yên.
Tổng chi phí thực hiện dự án là 196,207 tỷ đồng, không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm tính từ ngày nhà đầu tư được cơ quan có thẩm quyền quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất. Dự kiến, tiến độ thực hiện dự án sẽ kéo dài đến hết quý IV năm 2025.
5. Giao dịch bất động sản còn lộn xộn, chưa được kiểm soát tốt
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng ông Nguyễn Văn Sinh cho biết, hoạt động về giao dịch BĐS còn lộn xộn, chưa được kiểm soát tốt, còn tồn tại nhiều bất cập, khiến công tác quản lý gặp rất nhiều khó khăn.
Cụ thể: Chưa hình thành được hệ thống giao dịch được kiểm soát, đảm bảo tính pháp lý trong giao dịch bất động sản, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, có hiện tượng các sàn giao dịch bất động sản câu kết với nhau “ôm hàng”, làm giá, “tạo sóng”, đẩy giá gây “sốt ảo” ăn chênh lệch làm nhiễu loạn thị trường BĐS.
Đồng thời thứ trưởng cũng nhấn mạnh cần kiểm soát chặt chẽ tín dụng, ngăn chặn việc sử dụng nguồn vốn cho vay sản xuất, tiêu dùng vào đầu tư, kinh doanh bất động sản.
6. Bất động sản cao cấp tăng trưởng mạnh tại Việt Nam
Báo cáo chuyên sâu của Savills World Research phát hành ngày 24/11, cho biết Việt Nam đang dẫn đầu phân khúc trên cao cấp, đây cũng là phân khúc ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất trên toàn cầu.
Báo cáo mới đây của CBRE cũng ghi nhận hai dự án có mức giá bán cao nhất tại Việt Nam cho tới thời điểm hiện tại. Một dự án tọa lạc tại trung tâm TP HCM với mức giá chào bán từ khoảng 16.000 USD mỗi m2. Một dự án tọa lạc tại trung tâm thủ đô Hà Nội với mức giá chào bán khoảng 35.000 USD, tương đương khoảng một tỷ đồng một m2.
7. Ai đang ôm trái phiếu bất động sản nhiều nhất?
Tính chung 9 tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp bất động sản phát hành 201.000 tỷ đồng trái phiếu, chiếm 45,5% tổng lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Đây là số liệu Báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp quý III do SSI Research công bố mới đây. Khối lượng phát hành trái phiếu bất động sản tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu trong quý III/2021 bất chấp thị trường bất động sản gặp không ít khó khăn do dịch bệnh COVID-19.
Một điểm đáng chú ý trong bức tranh nói trên là việc các ngân hàng thương mại và công ty chứng khoán đang là pháp nhân sở hữu nhiều nhất các trái phiếu doanh nghiệp. Cụ thể, theo Báo cáo của SSI thì tính đến hết tháng 9 đã có tới gần 60% lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành là do các ngân hàng thương mại và công ty chứng khoán nắm giữ.
8. Lạm phát tăng mạnh, nhà đầu tư dồn tiền vào bất động sản
Theo các chuyên gia kinh tế, cuối năm 2021 và năm 2022, nền kinh tế sẽ đối mặt với áp lực lạm phát lớn. Bất động sản là kênh đầu tư tối ưu được các nhà đầu tư lựa chọn ở thời điểm hiện tại.
TS Trần Nguyễn Minh Hải – Trường Đại học Ngân Hàng TP.HCM đánh giá: “Lạm phát trên phạm vi toàn cầu khiến “một đồng tiền của ngày mai sẽ không giá trị bằng đồng tiền của ngày hôm nay”. Trong bối cảnh đó, các nhà đầu tư sẽ phải rút tiền ra khỏi ngân hàng vốn có lãi suất không bao giờ đuổi kịp tốc độ lạm phát và đổ vào các kênh đầu tư hấp dẫn như bất động sản.
9. Bất động sản công nghiệp vươn lên mạnh mẽ những tháng cuối năm
Ông Nguyễn Quốc Anh – Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn đánh giá, Việt Nam có nhiều lợi thế cho thị trường bất động sản công nghiệp phát triển, từ yếu tố kho bãi đến nhân công. Dù bối cảnh Covid-19 gây ra nhiều khó khăn nhưng đây là tác động chung nên Việt Nam vẫn sẽ là “điểm sáng” cho nhà đầu tư nước ngoài tìm đến.
Thị trường bất động sản có khả năng bứt phá thời gian tới, miền Bắc phục hồi sớm nhất, khoảng tháng 11 thị trường sẽ cân bằng lại như thời điểm trước dịch bệnh. Trong khi đó, miền Trung, TP.HCM và các tỉnh miền Nam sẽ chỉ đạt khoảng 80 – 85% so với trước dịch do mức độ ảnh hưởng trong đợt tái bùng phát dịch lần thứ 4 ở các khu vực là khác nhau, ông cho biết thêm.