Điều chỉnh về luật kinh doanh bất động sản từ ngày 1/3/2022; TTTM Aeon Mail Việt Nam sắp sửa có mặt tại Bắc Ninh; Thái Nguyên mời đầu tư loạt dự án đô thị lớn gần 10.400 ha; Sau thời gian dài đóng băng, bất động sản nghỉ dưỡng vào đà hồi phục; Chính thức ra mắt “đa ứng dụng” giao dịch bất động sản ECOE là những thông tin chính có trong bản tin bất động sản Kinh Bắc tuần này.
1. Điều kiện mới về kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ 1/3/2022
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 02/2022/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản. Trong đó, tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải đáp ứng đủ các điều kiện:
- Phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh bất động sản.
- Phải công khai trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp
- Chỉ kinh doanh các bất động sản có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 9, Điều 55 của Luật Kinh doanh bất động sản.
2. TTTM Aeon Mall Việt Nam sắp sửa có mặt tại Bắc Ninh
Vào ngày 19/12/2020, tập đoàn Aeon Mall Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ với UBND Tỉnh Bắc Ninh về việc nghiên cứu một số vị trí phù hợp để tiến hành xây dựng TTTM Aeon Mail tại Bắc Ninh.
Và vào ngày 6/1/2022 vừa qua, Tập đoàn Aeon Mall Việt Nam vừa đề xuất một buổi họp trực tuyến (do dịch bệnh Covid 19) với Quý lãnh đạo UBND Tỉnh Bắc Ninh để TTTM sớm được đưa vào hoạt động.
3. Thái Nguyên mời đầu tư loạt dự án đô thị lớn gần 10.400 ha
Thái Nguyên vừa phát thông báo mời gọi đầu tư nhiều dự án trên địa bàn tỉnh, trong đó có 4 dự án khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ quy mô lớn.
Trong lĩnh vực đô thị, tỉnh tìm chủ cho 4 dự án, gồm khu đô thị phía Tây TP.Thái Nguyên, tổng diện tích 1.500 ha, là đô thị động lực nối liền TP Thái Nguyên với Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc.
Tiếp đến là tổ hợp KCN, nông nghiệp và dịch vụ Yên Bình với tổng điện tích 8.009 ha, nằm trên địa bàn huyện Phú Bình và thị xã Phổ Yên.
Kế đến là Khu công nghệ thông tin tập trung tại xã Tiên Phong (Thị xã Phổ Yên) và xã Nga My (huyện Phú Bình) với tổng diện tích 200 ha, tổng mức đầu tư trên 2.900 tỷ đồng. Tỉnh mời gọi các nhà đầu tư thứ cấp công nghệ thông tin, công nghệ cao.
Thứ 4 là KCN – Đô thị – Dịch vụ Phú Bình với diện tích 675 ha, thuộc thị trấn Hương Sơn; các xã Tân Hòa, Lương Phú, huyện Phú Bình. Tại dự án này, tỉnh mời gọi nhà đầu tư thứ cấp đầu tư phát triển công nghệ cao và các dịch vụ tiện ích trong KCN.
Ngoài 4 dự án lớn nói trên, Thái Nguyên cũng mời đầu tư hạ tầng hai dự án du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng, gồm Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc và Khu vực phía Đông vườn quốc gia Tam Đảo.
4. Sau thời gian dài đóng băng, bất động sản nghỉ dưỡng vào đà hồi phục
Hơn 2 năm qua, thị trường bất động sản chịu nhiều tác động tiêu cực từ dịch COVID-19. Trong đó, phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là bất động sản nghỉ dưỡng. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, bất động sản nghỉ dưỡng sẽ hồi phục và thức tỉnh thời gian tới.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho rằng khi dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát thì du lịch sẽ là ngành được ưu tiên phục hồi với nhiều chính sách hỗ trợ các chương trình ưu đãi kích cầu hấp dẫn, kéo theo đó là bất động sản du lịch nghỉ dưỡng cũng nóng lên.
Theo Tổng cục Du lịch, tính đến cuối tháng 11.2021 đã có 978 khách du lịch quốc tế đến Việt Nam sử dụng “hộ chiếu vaccine”. Đây là lần đầu tiên sau gần 19 tháng, ngành du lịch mới có con số thống kê về khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
5. Chính thức ra mắt “đa ứng dụng” giao dịch bất động sản ECOE
Ngày 05/01, tại Gem Center, Công ty Cổ phần ECOE Việt Nam chính thức ra mắt nền tảng giao dịch bất động sản cùng tên ECOE với nhiều tính năng chuyên biệt, tập trung chủ yếu vào việc xây dựng môi trường giao dịch dễ dàng, nhanh chóng, an toàn cho người có nhu cầu mua và ký gửi bất động sản tại Việt Nam.
ECOE cung cấp cho người dùng tính năng tìm kiếm, tra cứu thông tin chính xác về sản phẩm. Toàn bộ sản phẩm được xuất hiện trên nền tảng ECOE đã được trải qua quy trình kiểm duyệt chất lượng chặt chẽ. Đây là bước đầu trong việc đảm bảo quyền lợi của người dùng khi chọn mua sản phẩm trên nền tảng.
Đặc biệt, “ECOE cam kết mua lại sản phẩm nếu thông tin tư vấn không đúng”. “Lời hứa” này được thể hiện rõ ràng trên giấy tờ, người dùng hay khách hàng có thể tự kiểm tra khi thực hiện giao dịch bất động sản tại ECOE.
6. Phỏng vấn ông Vũ Cương Quyết – Tổng Giám đốc Đất xanh miền Bắc: Tìm hướng bứt phá sau một năm đầy biến động
Năm 2021, dưới tác động của đại dịch COVID-19, thị trường bất động sản Việt Nam trồi sụt liên tục. Đã có thời điểm, thị trường tăng trưởng rất “nóng”, “sốt” đất xuất hiện khắp nơi. Thế nhưng, cũng có lúc, thị trường rơi vào cảnh trầm lắng, khối lượng giao dịch gần như chạm “đáy”.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, ông Vũ Cương Quyết – Tổng Giám đốc của Đất xanh miền Bắc khẳng định: So với nhiều ngành nghề khác trong nền kinh tế, thị trường bất động sản vẫn có sự tăng trưởng nhất định. Thậm chí, trong con mắt của nhiều người, bất động sản vẫn là kênh đầu tư sinh lời an toàn và hiệu quả.
7. Thị trường bất động sản Việt Nam sẽ bứt phá “thần tốc” trong năm 2022?
Nhìn nhận từ thực tế, có thể thấy rằng, trong 2 năm đối mặt với đại dịch COVID-19, thị trường bất động sản vẫn “bình yên vô sự”. Do đó, giới chuyên gia đánh giá, trong năm 2022, thị trường vẫn giữ được nhịp tăng trưởng, thậm chí có thể bứt phá mạnh mẽ nếu dịch bệnh được kiểm soát trên quy mô toàn cầu.
Đồng tình với nhận định này, PGS.TS Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, trong năm 2022, thế giới và Việt Nam vẫn sẽ đối phó với đại dịch. Trừ trường hợp có biến chủng mới quá đặc xuất hiện, còn lại, tác động của đại dịch sẽ dần được kiểm soát. Trên cơ sở đó, vốn đầu tư nước ngoài có thể vẫn tiếp tục vận hành vào Việt Nam.
8. Chuyên gia Yuanta: Mua cổ phiếu bất động sản thời điểm này không khác gì đánh bạc, nếu không tuân thủ điều này có thể “cháy tài khoản” trong phút chốc
Ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng: “Mua cổ phiếu bất động sản thời điểm này không khác gì đánh bạc. Trong những “ván bạc” đầu tiên, nhà đầu tư thường mua với tỷ trọng nhỏ, nhưng khi giá cổ phiếu tiếp tục tăng đẩy tài khoản tăng gấp đôi gấp ba sẽ khiến nhiều người đặt ra kỳ vọng “đây là cơ hội lớn để làm giàu”. Tâm lý FOMO đẩy lên cao sẽ khiến nhiều nhà đầu tư mạnh tay all in trong những “ván bạc” tiếp theo. Đây cũng là lúc mức độ rủi ro lên đến đỉnh điểm và nếu không tuân thủ kỷ luật có thể “cháy tài khoản” trong phút chốc”, Giám đốc Yuanta khuyến nghị
9. Khủng hoảng bất động sản Trung Quốc đang lan rộng
Sau Evergrande, đến lượt Shimao Group, một tên tuổi bất động sản lớn khác của Trung Quốc, lỡ hẹn trả nợ. Diễn biến này làm dấy lên nghi ngại rằng khủng hoảng bất động sản Trung Quốc đang lan rộng.
Cổ phiếu của Tập đoàn bất động sản Shimao Group trượt giá hơn 17% trong ngày giao dịch 7/1 tại Hong Kong sau khi Reuters đưa tin rằng công ty này đã không hoàn trả đầy đủ khoản vay ủy thác. Một công ty con của Shimao Group sau đó lên tiếng rằng họ đang đàm phán để giải quyết khoản nợ.
Cụ thể, Shimao đã không thanh toán khoản vay còn lại 645 triệu nhân dân tệ (tương đương 101 triệu USD), theo China Credit Trust, bên được ủy thác cho khoản vay. Hãng tin Reuters dẫn hai nguồn tin giấu tên xác nhận lá thư của China Credit Trust với nội dung trên.